Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư được thành lập theo Quyết định số 1101/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Chức năng
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp có chức năng giúp Giám đốc sở tham mưu UBND tỉnh thực hiện trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư; tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư; đề xuất địa điểm nghiên cứu đầu tư; tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; theo dõi tiến độ triển khai các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá xúc tiến đầu tư; xây dựng, thiết lập hệ thống dữ liệu, tài liệu phục vụ cho hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
2.1. Nhiệm vụ
2.1.1. Nhiệm vụ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư:
- Xây dựng và chủ trì triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và các chương trình đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
- Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tóm tắt thông tin các dự án kêu gọi đầu tư.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, thiết lập tài liệu liên quan đến xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
- Xây dựng và phát triển mạng lưới các đầu mối xúc tiến đầu tư gồm các cộng tác viên, đối tác, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp tác và các chuyên gia tư vấn của tỉnh ở trong và ngoài nước. Chủ động phối hợp và giữ mối quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, các Tham tán Đầu tư, Cục Đầu tư Nước ngoài, kết nối để khai thác các quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các thành phố, các nước trên thế giới,... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế một cách có hiệu quả.
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu dự án và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Phân công cán bộ chuyên trách là đầu mối, đồng hành cùng nhà đầu tư kết nối các cơ quan liên quan giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư.
- Tổ chức đón tiếp, cung cấp thông tin, nhu cầu kêu gọi đầu tư của tỉnh cho nhà đầu tư. Tham mưu kế hoạch đón tiếp các nhà đầu tư.
- Theo dõi, hỗ trợ, cập nhật thông tin về tiến độ, tình hình triển khai của dự án đầu tư, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trước và sau khi được cấp phép đầu tư; tham mưu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đối với các dự án đang nghiên cứu đầu tư và đã được cấp phép đầu tư (trừ các dự án thuộc diện giám sát đặc biệt, xem xét thu hồi). Cung cấp thông tin cho Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân để tổng hợp, tham mưu Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành hệ thống phần mềm quản lý giám sát đầu tư để theo dõi tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Đánh giá, phân tích và xây dựng dữ liệu về nhà đầu tư, thị trường đầu tư. Tham mưu UBND tỉnh về định hướng, kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm, 5 năm.
2.1.2. Nhiệm vụ Quảng bá hình ảnh địa phương, xây dựng điểm đến đầu tư kinh doanh cạnh tranh:
- Xây dựng, vận hành các công cụ quảng bá môi trường đầu tư như trang web, các trang mạng xã hội theo hướng thân thiện, được quản trị chung bởi Trung tâm. Quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu kêu gọi đầu tư của tỉnh trên tất cả các kênh thông tin phù hợp một cách kịp thời, thường xuyên, chuyên nghiệp.
- Triển khai các sáng kiến mới từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân nhằm quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và văn minh đô thị.
- Tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; giữa doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
2.1.3. Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp:
- Nghiên cứu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo nhu cầu.
- Chủ động tham mưu, đề xuất các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế liên quan lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ mặt bằng để triển khai dự án khởi nghiệp cho tỉnh; hỗ trợ địa điểm giao lưu (quán cafe khởi nghiệp để thúc đẩy hoạt động ươm mầm doanh nghiệp và định hướng cho thanh niên, sinh viên).
- Tham mưu định hướng, kêu gọi khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
- Kết hợp với các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp như đào tạo, cung cấp thông tin thị trường, kỹ năng khởi nghiệp. Hỗ trợ các cá nhân khởi nghiệp đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư.
* Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giao.
2.2. Quyền hạn
- Được quyền thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được quyền tuyển dụng và ký hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nguồn kinh phí và tài sản được giao để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và pháp luật của Nhà nước.
- Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ công tác phí, chế độ khen thưởng- kỷ luật, chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng,… đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
- Các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức bộ máy