3.1. Cơ hội đầu tư
Vị trí chiến lược
- Từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô, “phên dậu thứ tư về phương Nam của Đại Việt” thời Quang Trung – Nguyễn Huệ và là kinh đô của triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, với đường bờ biển dài 128 km, 86 km đường biên giới với CNDCND Lào.
- Nằm trên Hành lang kinh tế Đông – Tây nối với Lào, Thái Lan và Myanmar, là cửa ngỏ ra biển Đông của hành lang kinh tế quan trọng này;
- Trung tâm của con đường di sản Huế –Phong Nha Kẻ Bàng– Đà Nẵng – Hội An, trung tâm của con đường di sản Việt Nam: Hạ Long – Phong Nha – Huế - Hội An – Mỹ Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh.
Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú để khai phá
Thừa Thiên Huế là một địa phương hội tụ tất cả các điều kiện cần và đủ để khai thác du lịch. Có sông Hương, núi Ngự ngay trong lòng thành phố tạo nên phong cảnh hữu tình đẹp như tranh. Có bãi biển Thuận An chỉ cách trung tâm thành phố chưa tới 12km với định hướng phát triển hạ tầng giao thông theo hướng thu hẹp khoảng cách đô thị với biển. Xa hơn nữa là các bãi biển đẹp của khu vực Vinh Xuân, Vinh Thanh thuộc huyện Phú Vang. Về phía nam của tỉnh là vịnh Lăng Cô và Chân Mây, đặc biệt Lăng Cô đã được đánh giá là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (WorldBays, 2009). Đầm phá Tam Giang Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, với cảnh quan tuyệt mỹ và hệ động thực vật đa dạng, độc đáo. Vườn Quốc gia Bạch Mã – nơi có cảnh quan được so sánh với chốn bồng lai, kết hợp các di tích lịch sử, thiết chế tâm linh hiện hữu, là địa điểm độc đáo để trải nghiệm và khám phá, phù hợp với nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Với gần 1000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (năm 1993).
Thừa Thiên Huế còn là nơi tập trung những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, được bảo tồn, khai thác và phát huy. Từ những loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí đến những phong tục tập quán mang đậm những nét riêng của từng vùng đất. Trong đó, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2003) và đang được tích cực gìn giữ và phát huy giá trị. Các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển.
Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi vùng miền. Hiện nay, có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm lễ hội cung đình Huế như lễ tế Đàn Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, Lễ Truyền Lô; các lễ hội văn hóa tín ngưỡng tôn giáo như lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm, đại lễ Phật Đản, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề như lễ hội Cầu ngư, Vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, Đu tiên Phong Điền, lễ hội Làng Chuồn, lễ hội đua ghe và nhiều lễ hội khác như lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Festival Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho vùng đất cố đô.
Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.
Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo trên khoảng 3000 món ăn của cả Việt Nam, tạo nên nền “ẩm thực Huế” xứng đáng để được ghi danh di sản nhân loại. Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt” nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực của đất cố đô.
Cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện
Ngoài hệ thống giao thông thuận lợi, nằm trên Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt, đường cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2021, giao thông đối ngoại của Thừa Thiên Huế có Sân bay quốc tế Phú Bài đang được nâng cấp và đầu tư xây dựng thêm về hạ tầng, đảm bảo đón được thêm 5 triệu lượt khách mỗi năm vào năm 2020.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng - trung tâm trung chuyển quốc tế của miền Trung Việt Nam khoảng 100km, tương đương 1,5 giờ lái xe. Hai đô thị quan trọng nhất miền Trung Việt Nam được kết nối với nhau bằng quốc lộ 1A với hệ thống hầm đường bộ hiện đại như hầm Hải Vân, Phú Gia và Phước Tượng, rút ngắn khoảng cách giữa hai đô thị.
Cảng Chân Mây đã và đang tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 đến 50.000DWT và tàu khách du lịch quốc tế lên đến 240.000 GRT của các hãng tàu biển lớn, là một đầu mối lưu thông quan trọng mang tính cửa ngõ của tỉnh để mở rộng giao lưu, hội nhập với khu vực và thế giới. Chân Mây là bến cảng tổng hợp, nhưng rất coi trọng phát triển du lịch và cũng tập trung đến lĩnh vực tàu khách. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cảng Chân Mây đã đón 25 chuyến tàu du lịch, tăng 20% so cùng kỳ 2017. Lượng khách du lịch đến Cảng Chân Mây cũng tăng mạnh đạt 52.817 lượt, tăng 22 % so với cùng kỳ 2017. Sự xuất hiện của thường xuyên các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại Cảng như Royal Caribbean, Carnival Corporation & Plc, Celebrity Cruises, Viking Ocean Cruises, Princess Cruises cùng nhiều hàng tàu biển khác với các siêu phẩm du thuyền như Voyager of The Seas, Ovation of the Seas, Oasis of the Sea, Diamon Princess và các lớp tàu lớn nhất thế giới khác đến với Chân Mây đã khẳng định giá trị thương hiệu Cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.