HIẾU ĐÔNG LĂNG – HƠN CẢ MỘT CHỮ “HIẾU”
  
Cập nhật:08/06/2021 3:36:52 CH

Trong dòng chảy di sản văn hóa thời Nguyễn cũng như trong hệ thống các lăng tẩm tại Huế, lăng Hiếu Đông là công trình kiến trúc độc đáo và mang giá trị nghệ thuật cao đặc trưng dưới triều Nguyễn. Đây là một công trình không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc mà còn chất chứa tấm lòng hiếu nghĩa của con trai bà – vua Thiệu Trị.

Lăng Hiếu Đông là nơi an nghỉ ngàn thu của bà Hồ Thị Hoa, người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa, là con của một Phúc Quốc Công. Lăng nằm trong quần thể không gian rộng lớn của lăng vua Thiệu Trị, thuộc địa bàn thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy.

Bà Hồ Thị Hoa được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu chọn đưa vào cung làm vợ thái tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) vào năm 1806 khi 16 tuổi. Năm 1807, khi hạ sinh một hoàng tử (vua Thiệu Trị) được 13 ngày tuổi thì bà mất, lúc này lăng chỉ được xây dựng đơn sơ, bình dị bên dòng sông Hương.

Vua Minh Mạng tiếc thương và ra lệnh không ai được gọi tên húy của bà Hồ Thị Hoa, tất cả các chữ có tên Hoa đều phải đổi. Chẳng hạn Hoa thì phải gọi chệch đi là Huê, chợ Đông Hoa ngày xưa đổi thành chợ Đông Ba cho đến tận ngày nay.

Quan sát hiện trạng lăng Hiếu Đông, từ ngoài lăng vào Bái Đình với lối cấu trúc san đất thành 3 bậc nền, mỗi bậc nền có bậc cấp chính trang trí rồng tả thực với chất liệu đá, hai bậc cấp 2 bên rồng trang trí cách điệu với các họa tiết hoa lá lật và biến hóa mây sóng tinh xảo. Cũng như các lăng bà Từ Dũ, lăng Tiên Cung (Vạn Vạn)... trước sân lăng cũng có hồ bán nguyệt nhưng giờ đây nước đã khô cạn.

Ở hai bên tai của đỉnh có hai vòm trang trí với nhiều nét gấp chồng lên nhau, điều này tương đối khác biệt so với những lăng khác thời Nguyễn là các họa tiết trang trí tương đối trải đều và kéo dài theo cấu trúc và diện tích của mỗi công trình. Mật độ “ẩn vân” của rồng được trang trí tại lăng cũng đậm đặc, phong phú hơn so với những lăng khác. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy có sự đột phá và biển thể về phong cách trang trí rất lạ ở lăng bà hoàng này.

Kiến trúc của Hiếu Đông Lăng còn có một yếu tố đặc biệt, đó là hình ảnh rồng năm móng – một biểu tượng chỉ được dành cho nhà vua. Đây là điều mà không một lăng nữ nhân nào trong triều Nguyễn có được. Chính chi tiết này càng cho thấy tấm lòng hiếu nghĩa sâu nặng của vua Thiệu Trị dành cho mẫu thân mình to lớn nhường nào.

Cạnh gần Hiếu Đông Lăng là ngôi mộ nhỏ của người vú nuôi đã nuôi dưỡng vua Thiệu Trị trong những tháng ngày thiếu vắng sự săn sóc của người mẹ. Bằng tấm lòng hiếu kính với công ơn dưỡng dục, vua Thiệu Trị đã ân sủng cho chôn cất người vú nuôi gần cạnh mẹ của mình. Bên cạnh đó, phía trước bên phải Lăng Hiếu Đông là khu lăng “Tảo thương” – đây là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị thiếu may mắn đã mất đi khi còn nhỏ

Nếu đã đến Huế, hãy một lần đặt chân đến với Hiếu Đông Lăng để thấy tấm lòng hiếu thảo của vua Thiệu Trị cùng với tình cảm sâu đậm của vua Minh Mạng.

https://www.facebook.com/HuetrulyVietNam.Official
 Bản in]