TÀNG THƯ LÂU – NƠI LƯU TRỮ QUY MÔ NHẤT DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
  
Cập nhật:23/04/2021 4:30:48 CH

TÀNG THƯ LÂU – NƠI LƯU TRỮ QUY MÔ NHẤT DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Tàng Thư lâu là một công trình xây dựng trên hồ Học Hải, Huế vào năm 1825, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước.

Theo Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Nhất Thống Chí, Tàng thư lâu được xây dựng vào mùa hè năm Minh Mạng thứ 6 tức năm 1825. Dưới sự ủy thác của triều đình, Thử Thống Chế Đoàn Đức Luân điều khiển hơn 1000 binh lính để thi công, tòa nhà được xây dựng bằng gạch và đá gồm 2 tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái; nằm trên hòn đảo hình chữ nhật nằm giữa hồ Học Hải. Nguyên hồ Học Hải là một phần của sông Ngự Hà được cải tạo thông với hồ Tịnh Tâm tạo ra một hệ thống sông hồ liên kết với nhau.

Tuy nhiên, từ năm 1947 đến 1954, thực dân Pháp đã sử dụng Tàng Thư Lâu làm nhà tù giam giữ những người hoạt động cách mạng. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây bị phân tán, lưu lạc đi nhiều nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt... hoặc bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh. Năm 1975, quân Giải phóng tiếp quản di tích Tàng Thư Lâu và sau này được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế quản lý.

Sau quá trình trùng tu, hiện Tàng Thư Lâu đang là nơi lưu trữ ba loại hình tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh. Trong đó, tư liệu thành văn có hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn.

 

 

 

https://www.facebook.com/HuetrulyVietNam.Official
 Bản in]